Chiến tranh với Bắc Tống (981) Lê_Đại_Hành

Lê Hoàn đại phá quân Tống năm 981.

Ngoại giao

Tháng 8 năm 980, vua Tống xuống chiếu đem quân xâm lược Đại Cồ Việt, sai Lư Đa Tốn mang thư sang. Tháng 10 cùng năm, vua Lê Hoàn sắp phát binh, sai Nha hiệu là Giang Cự Vọng, Vương Thiệu Tộ đưa thư sang Tống giả làm thư Vệ vương Đinh Toàn thỉnh cầu Lê Hoàn nối ngôi cha, ban cho mệnh lệnh chính thức; ý muốn hoãn binh nhà Tống.[1]

Nhà Tống sai Trương Tông Quyền mang thư trả lời rằng: Họ Đinh truyền nối ba đời, trẫm muốn cho Toàn làm thống soái, khanh[4] làm phó. Nếu Toàn tướng tài chẳng có, vẫn còn trẻ con, thì nên bảo cả mẹ con cùng thân thuộc sang quy phụ. Đợi khi bọn họ vào chầu ắt sẽ có điển lễ ưu đãi và sẽ trao cờ tiết cho khanh. Nay có hai đường, khanh nên chọn một. Vua Lê Hoàn không nghe.[1]

Nhà Tống liền thảo chiếu chỉ chinh phạt Đại Cồ Việt, nội dung lời chiếu chỉ như sau:

Thanh giáo và oai linh của nước nhà vang khắp cả mọi nơi, gần đây đất Diên Chỉ (chỉ Đại Cồ Việt) chưa sáp nhập vào địa đồ Trung-Quốc, chúng ở một phương, gần nơi Ngũ Lĩnh. Từ cuối đời Đường rối loạn, chia sẻ đất đai, rồi chúng làm ra một nước tiếm ngụy, ở xa thanh giáo thành ra phong tục như đứa mù đứa điếc. Kịp khi Phiên-Ngung đã bình định, mới ban cho chính sóc mà tuân hành, tuy đã phục tùng chịu làm phiên thuộc, nhưng cứ tu luyện binh lính, có ý quật cường. Lễ thờ phụng nước trên, lẽ nào như thế? Vậy ta bất đắc dĩ phải trị tội gian ngụy để cứu dân, phải cử binh qua đánh để khai hóa xứ mọi rợ; nay cho bọn Tôn Toàn Hưng xuất quân qua đánh.[5]

Diễn biến

Nhà Tống dùng Lan Châu Đoàn luyện sứ là Tôn Toàn Hưng, Bát tắc sứ là Thích Hậu, Tả Giám môn vệ Đại tướng quân là Thôi Lượng làm chức Lục lộ Binh mã Tổng quản, từ đường Ung Châu tiến quân; Ninh Châu Thứ sử là Lưu Trừng, Án bí Khố sứ là Giả Thực, Cung phụng Quan Các môn Chi hậu là Vương Soạn làm chức Thủy quân Binh mã Tổng quản do đường Quảng Châu tiến quân. Lại dùng Ngọ Xương Duệ làm chức Tri Giao châu Hành doanh Thông tục. Nhóm Toàn Hưng từ giã; vua nhà Tống là Thái Tông lại hạ chiếu cho dẫn tiến, khiến Lương Quýnh thiết tiệc ở vườn Ngọc Tân để tống tiễn.[6]

Mùa thu năm 980, quân Tống khởi hành; tháng 12 năm 980, quân Tống phá được hơn 1 vạn quân Đại Cồ Việt.[6]

Mùa xuân, tháng 2 năm 981, Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua Lê Hoàn đích thân làm tướng, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Chi Lăng.[1] Sách Việt sử tiêu án chép: Vua tự làm tướng ra chống đánh, sai sĩ tốt cắm gỗ, đầu bịt sắt để ngăn cửa sông.[3]

Vua Lê Hoàn đã cho xây dựng một tòa thành có tên là Bình Lỗ để chống quân Tống. (Tháng 6 năm 1300, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn có nhắc đến thành này trong lời dặn lúc ông sắp mất: "Ngày xưa Triệu Vũ Đế dựng nước, hoàng đế nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương nam mới mạnh mà phương bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống...")

Mùa hạ năm 981, quân Tống giao chiến với quân Việt, quân Tống chém được hơn 1000 người, bắt được hơn 200 thuyền chiến. Phạm Cự Lạng xin Lê Hoàn rút quân tại Ba Bộ. Chuyển vận sứ nhà Tống là Hầu Nhân Bảo[lower-alpha 2] cùng đạo tiền quân tiến sâu vào, bị thất bại luôn.[6] Cánh quân Tôn Toàn Hưng do đường thủy và đường bộ tới làng Đa-La, không gặp Hầu Nhân Bảo, bèn trở về Ba Bộ.[6]

Vua Lê Hoàn sai quân sĩ trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo, đem chém.[1] Sách Việt sử tiêu án chép: sai người trá hàng, bắt được Nhân Bảo.[3] Sách An Nam chí lược chép: Lê Hoàn giả đầu hàng để dụ địch, Nhân – Bữu bèn trúng kế mà bị hại.[6]

Trần Khâm Tộ nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua Lê Hoàn thừa thắng đuổi đánh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng; bắt sống đại tướng là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đưa về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên.[1][3][7]

Hậu chiến

Sau chiến tranh, nước Việt an bình, bầy tôi dâng tôn hiệu cho vua Lê Hoàn là Minh Càn Ứng Vận Thần Vũ Thăng Bình Chí Nhân Quảng Hiếu Hoàng Đế. Vua sai sứ sang nhà Tống cống các đồ thổ sản và dâng biểu tạ lỗi.[1][3] Giang Nam Chuyển vận sứ của nhà Tống là Hứa Trọng Tuyên đem việc Nhân Bảo thua chết tâu lên. Vua Tống xuống chiếu rút quân về, sai sứ quở trách bọn Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn. Trừng ốm chết, Soạn bị giết ở Ung Châu, Tôn Toàn Hưng cũng bị giết bêu ở chợ.[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lê_Đại_Hành http://atruyen.com/lich-su/So-Thao-Bai-Su-Khac-Cho... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/333353 http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/ http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/2017/10/05/din... http://ditichlichsuvanhoa.com/dttc/DINH-AN-LANG-a3... http://quangduc.com/a20024/quyen-ha#Thi%E1%BB%81n http://quangduc.com/p157a19942/quyen-thuong#%C4%90... http://tusach.vietnhim.com/archive/index.php/t-10-... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb12348773v http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb12348773v